CBM trong xuất nhập khẩu là một đơn vị quan trọng để tính thể tích hàng hóa. Việc hiểu đúng và áp dụng chuẩn công thức quy đổi CBM không chỉ giúp doanh nghiệp dự trù chi phí vận tải, mà còn tránh những phát sinh không đáng có khi khai báo với hãng tàu, hãng bay hoặc đối tác logistics. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp khái niệm CBM là gì, cách tính CBM cho từng loại kiện hàng, và các lưu ý giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận chuyển quốc tế.
CBM trong xuất nhập khẩu là gì?
CBM trong xuất nhập khẩu là đơn vị đo được viết tắt từ “Cubic Meter” có nghĩa là mét khối, dùng để đo khối lượng và kích thước hàng hóa và tính chi phí vận chuyển. Đơn vị CBM trong xuất nhập khẩu được vận dụng trong hầu hết các phương thức vận chuyển hàng hóa như đường hàng không, đường biển, hoặc vận tải bằng container,…

CBM trong xuất nhập khẩu có vai trò như thế nào?
CBM là một thông số quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong khâu tính toán chi phí vận chuyển và quản lý logistics. CBM trong xuất nhập khẩu phản ánh thể tích thực tế của hàng hóa, giúp các bên liên quan đưa ra quyết định phù hợp về vận chuyển, kho bãi và thủ tục hải quan.
Hỗ trợ tính cước vận chuyển
Trong vận tải quốc tế, CBM đóng vai trò then chốt trong việc tính cước vận chuyển, đặc biệt đối với các lô hàng không quá nặng nhưng chiếm nhiều không gian. Hầu hết các hãng vận chuyển quốc tế, dù bằng đường biển, hàng không hay đường bộ, đều sử dụng CBM để quy đổi trọng lượng thể tích của hàng hóa nhằm so sánh với trọng lượng thực tế. Nếu trọng lượng thể tích lớn hơn trọng lượng thực tế, cước phí sẽ được tính theo trọng lượng thể tích để phản ánh đúng mức độ chiếm chỗ trên phương tiện vận tải, và ngược lại.
Hỗ trợ tối ưu hóa việc đóng hàng và lựa chọn container
CBM trong xuất nhập khẩu giúp người gửi hàng và đơn vị logistics xác định loại container phù hợp (20 feet, 40 feet, 40HQ…) cũng như tính toán phương án sắp xếp hàng hóa sao cho tiết kiệm không gian và chi phí nhất. Việc nắm rõ thể tích còn hỗ trợ lên kế hoạch gom hàng hiệu quả nếu gửi hàng theo hình thức LCL (Less than Container Load).
Loại container | Chiều dài | Chiều rộng | Chiều cao | Dung tích | Sức chứa tối đa |
20′ | 589 cm | 234 cm | 238 cm | 26-28 CBM | 33 CBM |
40′ | 1200 cm | 234 cm | 238 cm | 56-58 CBM | 66 CBM |
40′ HC (High Cube) | 1200 cm | 234 cm | 269 cm | 60-68 CBM | 72 CBM |
45′ HC (High Cube) | 1251 cm | 245 cm | 269 cm | 72-78 CBM | 86 CBM |
Dung tích và kích thước tiêu chuẩn của các loại container phổ biến
Hỗ trợ lập kế hoạch kho bãi và vận hành logistics
Việc tính toán chính xác CBM của lô hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch nhập, xuất hàng. Dựa vào thể tích hàng hóa, doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp diện tích lưu trữ trong kho, bố trí số lượng nhân công và thiết bị bốc xếp phù hợp. Nhờ đó, toàn bộ quá trình lưu chuyển hàng hóa được triển khai một cách hiệu quả, giảm thiểu thời gian chờ đợi và tối ưu nguồn lực logistics.

Hỗ trợ khai báo hải quan và kiểm soát rủi ro
CBM thường là thông tin bắt buộc trong tờ khai hải quan, giúp cơ quan chức năng đánh giá sơ bộ về đặc điểm lô hàng. Trong một số trường hợp, nếu thể tích hàng hóa quá lớn so với trọng lượng hoặc giá trị khai báo, hệ thống có thể đánh dấu lô hàng là bất thường và yêu cầu kiểm tra chi tiết hơn. Điều này có thể dẫn đến việc lô hàng bị giữ lại lâu hơn tại cảng hoặc kho, kéo dài thời gian thông quan, phát sinh thêm chi phí lưu kho, lưu bãi và thậm chí gây chậm trễ trong quá trình giao hàng.
Cách tính CBM trong xuất nhập khẩu
Tính CBM trong xuất nhập khẩu với đơn vị là mét khối (m3) theo công thức dưới đây:
CBM = (chiều dài x chiều rộng x chiều cao) x số lượng kiện
Lưu ý: Quy đổi đơn vị chiều dài, chiều rộng và chiều cao sang đơn vị mét (m).

Hướng dẫn chi tiết cách chọn trọng lượng tính cước
Trọng lượng tính cước (Chargeable Weight) là trọng số mà các hãng vận chuyển sử dụng để tính chi phí vận chuyển. Có hai cách tính trọng lượng:
- Trọng lượng thực tế (Gross Weight): Là cân nặng thực tế của hàng hóa (bao gồm bao bì).
- Trọng lượng thể tích (Volumetric Weight): Là trọng lượng quy đổi từ thể tích hàng hóa, theo công thức riêng tùy theo phương thức vận chuyển. Mỗi phương thức vận tải có tỷ lệ quy đổi CBM sang trọng lượng khác nhau:
- Đường hàng không: 1 CBM ~ 167 kg
- Đường bộ: 1 CBM ~ 333 kg
- Đường biển: 1 CBM ~ 1000 kg
Sau khi tính cả hai loại trọng lượng, đơn vị vận chuyển sẽ so sánh và chọn trọng lượng lớn hơn làm căn cứ để tính cước. Điều này nhằm đảm bảo chi phí vận hành được bù đắp hợp lý, đặc biệt với các mặt hàng nhẹ nhưng chiếm nhiều không gian như quần áo, đồ gia dụng, hay mỹ phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần tính toán kỹ từ khâu đóng gói để tránh phát sinh chi phí ngoài dự kiến.
Cách chọn trọng lượng tính cước trong vận tải hàng không

Để tính toán trọng lượng tính cước cho hàng không, bạn cần thực hiện các bước sau: Ví dụ: Vận chuyển 10 kiện hàng, mỗi kiện có kích thước 100cm x 90cm x 80cm và trọng lượng 100kg. Bước 1: Tính Trọng Lượng Tổng (Gross Weight)
- Tổng trọng lượng = 10 kiện x 100kg = 1000kg.
Bước 2: Tính Thể Tích Hàng Hóa
- Kích thước mỗi kiện: 1m x 0,9m x 0,8m
- Thể tích một kiện = 1m x 0,9m x 0,8m = 0,72 CBM.
- Tổng thể tích = 10 kiện x 0,72 CBM = 7,2 CBM.
Bước 3: Tính Trọng Lượng Thể Tích
- Hằng số trọng lượng thể tích cho hàng không: 167 kg/CBM.
- Trọng lượng thể tích = 7,2 CBM x 167 kg/CBM = 1202,4 kg.
Bước 4: Xác Định Trọng Lượng Tính Cước
- So sánh: Trọng lượng tổng (1000kg) với trọng lượng thể tích (1202,4kg).
- Trọng lượng tính cước = 1202,4 kg (do trọng lượng thể tích cao hơn).

Cách chọn trọng lượng tính cước trong vận tải đường biển
Khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, quy trình tính toán tương tự, nhưng hằng số trọng lượng khác. Ví dụ: Vận chuyển 10 kiện hàng, mỗi kiện có kích thước 120cm x 100cm x 150cm và trọng lượng 800kg. Bước 1: Tính Trọng Lượng Tổng
- Tổng trọng lượng = 10 kiện x 800kg = 8000kg.
Bước 2: Tính Thể Tích Hàng Hóa
- Kích thước mỗi kiện: 1,2m x 1m x 1,5m.
- Thể tích một kiện = 1,2m x 1m x 1,5m = 1,8 CBM.
- Tổng thể tích = 10 kiện x 1,8 CBM = 18 CBM.
Bước 3: Tính Trọng Lượng Thể Tích
- Hằng số trọng lượng cho hàng biển: 1000 kg/CBM.
- Trọng lượng thể tích = 18 CBM x 1000 kg/CBM = 18000 kg.
Bước 4: Xác Định Trọng Lượng Tính Cước
- So sánh: Trọng lượng tổng (8000kg) với trọng lượng thể tích (18000kg).
- Trọng lượng tính cước = 18000 kg (do trọng lượng thể tích cao hơn).

Cách chọn trọng lượng tính cước trong vận tải đường bộ
Tương tự như hàng không và biển, nhưng sử dụng hằng số khác. Ví dụ: Bạn có 10 kiện hàng với thông số:
- Kích thước mỗi kiện: 120cm x 100cm x 180cm
- Trọng lượng mỗi kiện: 960kg
Bước 1: Tính tổng trọng lượng
- Tổng trọng lượng = 10 kiện x 960kg = 9600kg
Bước 2: Tính thể tích hàng hóa
- Kích thước mỗi kiện: 1.2m x 1m x 1.8m
- Thể tích mỗi kiện = 1.2m x 1m x 1.8m = 2.16 m³
- Tổng thể tích = 10 kiện x 2.16 m³ = 21.6 m³
Bước 3: Tính trọng lượng thể tích
- Hằng số trọng lượng thể tích hàng đường bộ = 333 kg/m³
- Trọng lượng thể tích = 21.6 m³ x 333 kg/m³ = 7192.8 kg
Bước 4: Tính trọng lượng tính cước
- So sánh giữa tổng trọng lượng (9600kg) và trọng lượng thể tích (7192.8kg).
- Lựa chọn giá trị lớn hơn: Trọng lượng tính cước = 9600kg.

Tổng kết
CBM là một thông số không thể thiếu trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu, đặc biệt khi tính toán cước vận tải. Việc xác định đúng thể tích hàng hóa không chỉ giúp doanh nghiệp khai báo minh bạch với đơn vị vận chuyển, mà còn hỗ trợ trong việc thương lượng chi phí và đảm bảo hiệu quả vận hành. Hãy đảm bảo đội ngũ của bạn nắm vững công thức quy đổi CBM trong xuất nhật khẩu và cập nhật liên tục các quy định của hãng tàu, hãng bay để tránh sai sót trong quá trình giao thương.
Theo dõi Tradeint ngay để nâng cao kiến thức chuyên môn và không bỏ lỡ các cập nhật mới nhất về thương mại quốc tế.