Mở đầu
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã đạt thỏa thuận thuế quan với Việt Nam. Vậy mức thuế được áp dụng với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là bao nhiêu? Thông tin này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thương mại của Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu trong phần phân tích dưới đây.
Tóm tắt về thỏa thuận
Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế bao nhiêu?
Theo Vietnamnet, vào ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp mức thuế nhập khẩu 20% đối với tất cả các hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Con số này gấp đôi mức thuế tối thiểu hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, mức 40% sẽ được áp đối với các sản phẩm bị nghi là “trung chuyển” từ Trung Quốc, nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng Việt Nam như một trạm trung chuyển để né thuế Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam được cho là đã đồng ý mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Mỹ với thuế suất 0%.

Những điểm chưa được làm rõ trong thỏa thuận
Đến thời điểm này, thông báo về mức thuế mới với hàng hóa Việt Nam mới chỉ xuất phát từ nền tảng mạng xã hội của Tổng thống Trump. Chi tiết danh mục mức thuế cho các mặt hàng và lộ trình thực thi, cũng như định nghĩa thế nào là hàng hóa “trung chuyển” (transshipping), đều chưa được công bố đầy đủ.
Các nội dung then chốt như việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mở rộng hợp tác công nghệ, cũng như thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng có thể tạm hiểu mức thuế này theo hai trường hợp.
Trường hợp 1: 20% là con số tổng các loại thuế cho các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ
Mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể được hiểu là đã bao gồm mức thuế tối huệ quốc (Most-favoured nation) mà hàng Việt đang phải chịu, dao động từ 5-15% tùy theo từng loại mặt hàng, và phần còn lại là thuế đối ứng, ước tính khoảng 10%.
Con số này cho thấy một kịch bản thuế quan khá tích cực, bởi mức thuế 20% thấp hơn đáng kể so với mức 46% mà Việt Nam phải chịu vào tháng 4 năm nay và chỉ cao hơn một chút so với mức thuế khoảng 10% áp dụng tạm thời cho tất cả các quốc gia trong giai đoạn tạm hoãn thuế đối ứng.
Mặc dù mức thuế 20% được coi là khả quan, nhưng tác động sẽ tùy vào từng nhóm hàng hóa. Các mặt hàng trước đây phải chịu thuế nhập khẩu thấp vào Mỹ, như linh kiện điện tử (chỉ khoảng 1%), sẽ phải chịu mức tăng thuế lớn hơn.
Trường hợp 2: 20% chỉ là thuế đối ứng, mức thuế cuối cùng cho hàng hóa Việt Nam sẽ lớn hơn.
Trong trường hợp này, chênh lệch giữa mức thuế của Việt Nam với các quốc gia khác sẽ là yếu tố quyết định đối với khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu.
Nhìn chung, theo KBSV, thông tin thuế suất công bố vừa qua không tích cực như thị trường “đồn đoán” trước đó khiến áp lực điều chỉnh có thể xuất hiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên mức thuế 20% cũng đã thấp hơn đáng kể so với mức 46% ban đầu và tác động trên thực tế sẽ còn phụ thuộc vào mức thuế mà Mỹ áp cho các quốc gia khác, đặc biệt là những nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đi Mỹ như linh kiện điện tử, điện thoại di động, dệt may, da giày, nông sản và đồ gỗ.
Nếu mức thuế Mỹ áp dụng với các nước khác không thấp hơn quá nhiều so với Việt Nam (nhỏ hơn 10%) thì tác động tiêu cực tới xuất khẩu và nguồn vốn FDI có thể sẽ được giảm bớt phần nào. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam có sẵn một số lợi thế để bù đắp lại như chi phí lao động cạnh tranh, nền tảng sản xuất phát triển, 17 FTAs với các thị trường lớn, và thị trường tiêu thụ nội địa đông đảo với 100 triệu dân.

So sánh giữa các nước đã đạt được thỏa thuận với Mỹ: Anh, Trung Quốc, Việt Nam
Hiện tại, ba nước Anh, Trung Quốc, và Việt Nam lần lượt những đối tác đã đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Anh
Mỹ và Anh đã ký thỏa thuận thương mại vào ngày 10/06 và đã có hiệu lực vào ngày 30/06. Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Anh, đáng chú ý là ô tô được giảm thuế từ 27,5% xuống 10%, với số lượng giới hạn 100.000 chiếc một năm – đúng bằng số lượng ô tô mà Anh xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024. Bên cạnh đó, thuế quan đối với ngành hàng không vũ trụ và các mặt hàng như động cơ và phụ tùng máy bay được dỡ bỏ và cam kết duy trì ở mức 0%.
Mỹ sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường Anh, đặc biệt là trong việc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thỏa thuận hiện tại vẫn chưa giải quyết vấn đề thuế quan đối với thép và nhôm. Mức thuế này vẫn đang được thương thảo và nếu không đạt được thỏa thuận, có thể sẽ tăng lên 50% vào ngày 09/07.
Trung Quốc
Tới cuối tháng 6, Mỹ mới chỉ đạt một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc, trong đó mức thuế được công bố vẫn cao hơn Việt Nam nhưng có nới lỏng so với mức trước đây (145%). Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế khoảng 55% (gồm 10% cơ bản + 20% trừng phạt + 25% thuế cũ theo Điều 310 – Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974). Mỹ cũng dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trong bối cảnh Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang nước này.
Cụ thể cơ cấu các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với hàng hóa từ Trung Quốc – tính đến ngày 12/06/2025 (Theo Reuters)
Loại thuế quan | Mức | Các sản phẩm áp dụng | Ngày bắt đầu áp dụng |
Thuế đối ứng | 10% | Tất cả | Tạm hoãn trong 90 ngày cho tới 10/08/2025 |
20% | Tất cả | 04/03/2025 | |
Thuế theo Điều 301 – Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 | Lên đến 25% | Danh sách 1: Dược phẩm, sắt và thép, nhôm, phương tiện và máy bay, dụng cụ và thiết bị y tế hoặc phẫu thuật. | 06/07/2018 |
Danh sách 2: Phương tiện, đầu máy xe lửa hoặc tàu điện, máy bay và các bộ phận của chúng, dụng cụ và thiết bị y tế hoặc phẫu thuật. | 23/08/2018 | ||
Danh sách 3: Thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, sản phẩm khoáng sản, phân bón, sản phẩm gỗ, dệt may, kim loại quý và kim loại cơ bản, phương tiện, máy bay, tàu, máy móc và thiết bị cơ khí, | 10/05/2019 | ||
Danh sách 4A: Thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, sản phẩm khoáng sản, phân bón, giày dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm gốm, thủy tinh, dệt may, kim loại quý và kim loại cơ bản, máy móc và thiết bị cơ khí, phương tiện, máy bay, tàu, nghệ thuật, đồ cổ. | 14/02/2020 |
Đổi lại, Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu nam châm và đất hiếm, vốn là những khoáng chất quan trọng cho sản xuất vi mạch.
Thỏa thuận này chưa đưa ra được câu trả lời cho việc các biện pháp hạn chế khác của Mỹ có được dỡ bỏ hay không. Các biện pháp này bao gồm:
- Đình chỉ giấy phép xuất khẩu động cơ phản lực cho Trung Quốc của công ty GE Aerospace
- Đình chỉ giấy phép bán thiết bị hạt nhân bán cho các nhà máy điện Trung Quốc
Các vấn đề quan trọng, chẳng hạn thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và cáo buộc về các hoạt động thương mại không công bằng, vẫn chưa được giải quyết.

So sánh với thỏa thuận với Việt Nam
Trong số ba quốc gia này, có thể thấy thỏa thuận mà Anh đạt được là có nhiều thuận lợi nhất, do ngành sản xuất ô tô được hưởng mức thuế tương đối thấp còn ngành hàng không vũ trụ được miễn thuế. Trung Quốc vẫn chịu thuế suất cao hơn Việt Nam nhưng có nới lỏng đáng kể so với mức trước đây.
Nói cách khác, mức thuế đối ứng 20% của Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh hơn so với Trung Quốc và không chênh quá nhiều so với mức thấp nhất hiện tại của Anh là 10%.
Tình hình đàm phán thuế quan của các nước với Mỹ
Vào ngày 09/07, thời hạn 90 ngày tạm dừng chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ hết hạn. Vì vậy, hiện nay, nhiều quốc gia đang chạy đua mạnh mẽ để đạt thỏa thuận nhằm tránh mức thuế đối ứng đã được tuyên bố trước đó, nhưng tiến độ đàm phán vẫn tương đối chậm chạp.
Liên minh châu Âu (EU)
Đối với Liên minh châu Âu (EU) – đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, việc đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng phức tạp và cần nhiều thời gian, đặc biệt trong những lĩnh vực nhạy cảm như ô tô, thép, nhôm, dược phẩm, và máy bay dân dụng. EU sẵn sàng chấp nhận mức thuế phổ quát 10% với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng yêu cầu Mỹ phải cam kết giảm thuế ở các lĩnh vực chủ chốt như dược phẩm để đạt thỏa thuận
Một số nước thành viên EU, như Pháp, kiên quyết phản đối thỏa thuận bất bình đẳng, trong khi nhiều nước khác muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận để tránh leo thang thuế quan lên tới 50%, dẫn đến các thiệt hại kinh tế.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, EU đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa thuế quan, bao gồm danh sách hàng hóa Mỹ trị giá 21 tỉ euro bị áp thuế, tập trung vào nông sản, gia cầm, xe máy và các sản phẩm công nghiệp nhạy cảm. EU cũng chuẩn bị danh sách dự phòng trị giá 95 tỉ euro nếu Mỹ tăng thuế quan hơn nữa.

Ấn Độ
Ấn Độ đang nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận thuế quan với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế 26% lên hàng hóa xuất khẩu từ Ấn Độ hồi đầu tháng 4. Trong các cuộc đàm phán, Ấn Độ đã bày tỏ sự không đồng ý về việc giảm thuế đối với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gene của Mỹ. Tuy nhiên, Ấn Độ sẵn sàng giảm thuế đối với các mặt hàng như quả óc chó, quả nam việt quất, các thiết bị y tế, ô tô và sản phẩm năng lượng.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng không muốn từ bỏ quyền lợi của nông dân, đặc biệt là về các sản phẩm nông sản và sữa, vốn là hai mặt hàng xuất khẩu lớn của Ấn Độ.
Thái Lan
Mặc dù Mỹ đã gửi đề xuất giảm thuế từ 36% xuống 18%, Thái Lan vẫn muốn tiếp tục đàm phán để đạt được mức thuế thấp hơn. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Pichai Chunhavajira, hy vọng rằng mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Thái Lan sẽ không cao hơn mức thuế mà Mỹ áp dụng với các quốc gia khác, đồng thời ông cũng sẵn sàng gia hạn thêm thời gian đàm phán nếu cần thiết.
Nhật Bản
Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề thuế quan với Mỹ, đặc biệt là liên quan đến ô tô và gạo. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản đã kéo dài nhiều tháng, nhưng chưa có thỏa thuận nào đủ để Mỹ giảm mức thuế cao hiện tại, đặc biệt là mức thuế 25% áp dụng đối với ô tô Nhật Bản.
Nhật Bản đã cam kết mua thêm các sản phẩm năng lượng và thiết bị quốc phòng từ Mỹ và cung cấp sự hỗ trợ trong các lĩnh vực như đóng tàu, nhưng các đề nghị này vẫn chưa đủ để thuyết phục Tổng thống Trump. Theo ông Trump, một trong những nguyên nhân khiến ông bất bình chính là việc người Mỹ mua xe hơi từ Nhật rất nhiều, trong khi người Nhật gần như không mua xe hơi và gạo từ Mỹ.
Hàn Quốc
Theo Reuters, Hàn Quốc mong muốn gia hạn thời gian đàm phán thuế quan do các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hơn thời gian hoãn thuế 90 ngày (từ tháng 4 đến ngày 9/7). Vào tháng 4 vừa qua, hai nước đã đồng ý xây dựng một gói thương mại nhằm giảm thuế quan của Mỹ. Sau đó, trong tuần cuối của tháng 6, chính quyền mới của Hàn Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên với Mỹ và vòng đàm phán kỹ thuật cấp chuyên viên thứ ba. Các quan chức của Hàn Quốc cho biết, nước này kỳ vọng sẽ được chấp thuận gia hạn đàm phán vào ngày 8/7.
Trong những thảo luận gần nhất, phía Mỹ chủ yếu nêu ra các vấn đề liên quan tới hàng rào phi thuế quan từ phía Hàn Quốc, vì Hàn Quốc đã áp dụng mức thuế quan gần như là 0% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Đánh giá ảnh hưởng - Thách thức và cơ hội song hành
Thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam sẽ có những tác động đáng kể đến các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất nội địa lẫn logistics.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ
Trong Q1/2025, Mỹ chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đâu là những mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp Việt tại thị trường này? Tìm hiểu ngay tại ĐÂY.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, mức thuế 20-40% áp dụng cho hàng hóa Việt Nam sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, dẫn đến áp lực giảm tốc độ tăng trưởng. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản được dự báo sẽ giảm khoảng 20% trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế 40-46% mà Mỹ từng áp dụng hoặc đe dọa trước đó. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác bị áp thuế cao hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh kiểm soát xuất xứ trở thành ưu tiên hàng đầu để hưởng mức thuế quan có lợi, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất từ 60% lên mức tiệm cận 100%. Đây là động thái cần thiết, không chỉ nhằm phòng vệ thương mại, mà còn để củng cố nâng cao trình độ và chất lượng của sản xuất trong nước.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa
Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Mỹ với mức thuế 0% sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp sản xuất nhanh chóng tiến cận với công nghệ cao và những tiêu chuẩn chất lượng mới nhất.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu 0% khiến hàng hóa của Mỹ khi vào Việt Nam có lợi thế về giá tương đối lớn. Điều này có thể gây áp lực đáng kể cho nhiều ngành hàng trong nước, đặc biệt là nông sản, khi hàng hóa nội địa phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và gặp bất lợi với tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của không ít người tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp logistics
Mức thuế quan mới được thông báo đặt ra khá nhiều thử thách đối với các công ty logistics tại Việt Nam về những khía cạnh như kiểm soát nguồn gốc và quản lý, vận hành.
Mức thuế 40% đối với hàng hóa bị nghi ngờ là “trung chuyển” từ Trung Quốc nghĩa là doanh nghiệp logistics phải chịu thêm áp lực liên quan tới kiểm soát nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, chi phí lưu kho, vận chuyển và thủ tục hải quan có thể sẽ tăng lên do các quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn từ phía Mỹ. Các doanh nghiệp logistics sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào hệ thống chứng từ, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, đồng thời đối mặt với chi phí bị đội lên do thời gian thông quan kéo dài.
Tuy nhiên, thỏa thuận thuế quan cũng mở ra cơ hội phát triển ngành logistics Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển chiến lược cho hàng hóa Mỹ vào châu Á và ASEAN, nhờ vào vị trí “cửa ngõ” và các FTA mà Việt Nam đã ký kết để phát triển thương mại tái xuất và công nghiệp phụ trợ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thích ứng với bối cảnh thương mại mới dưới thời Trump 2.0?
Đàm phán chia sẻ chi phí với đối tác nhập khẩu Mỹ
Trong bối cảnh mức thuế quan 20% đặt ra nhiều thách thức về giá bán và chi phí, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đàm phán với các nhà nhập khẩu Mỹ để chia sẻ chi phí gia tăng. Điều này sẽ giúp điều chỉnh cấu trúc giá và duy trì tính cạnh tranh trong các hợp đồng hiện tại
Các doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng cung cấp báo cáo tổng quan thương mại toàn cầu như TradeInt để tìm kiếm những đối tác và nhà nhập khẩu có kinh nghiệm tại thị trường Mỹ.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là chiến lược then chốt để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, tạo ra cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế thuế quan từ các FTA này để thâm nhập vào thị trường mới và tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, việc theo dõi xu hướng nhập khẩu và dự báo biến động nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tại các thị trường tiềm năng cũng rất quan trọng.

Xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ và tăng tỷ lệ nội địa hóa
Giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay còn thấp, chủ yếu tập trung vào gia công, khiến doanh nghiệp dễ bị thay thế và khó có thể thương lượng tốt hơn với đối tác quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào các hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định về xuất xứ sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn về việc phát triển chuỗi cung ứng tự chủ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đầu vào nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia bị áp thuế cao, cải thiện khả năng đối phó với biến động chính trị và thương mại quốc tế.
Xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ và tăng tỷ lệ nội địa hóa
Giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay còn thấp, chủ yếu tập trung vào gia công, khiến doanh nghiệp dễ bị thay thế và khó có thể thương lượng tốt hơn với đối tác quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào các hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định về xuất xứ sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn về việc phát triển chuỗi cung ứng tự chủ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đầu vào nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia bị áp thuế cao, cải thiện khả năng đối phó với biến động chính trị và thương mại quốc tế.
Theo dõi chặt chẽ chính sách và lộ trình thuế quan
Cuối cùng, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ chính sách và lộ trình thuế quan. Việc hiểu rõ các thay đổi về thuế quan và chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm các điều kiện và mức thuế áp dụng cho từng loại sản phẩm, sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác và kịp thời.

TradeInt cùng doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng với thời đại mới
Thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam, tuy còn nhiều chi tiết cần cụ thể hóa hơn nữa, nhưng đã thể hiện mức giảm thuế quan đáng kể so với những con số được công bố hồi tháng 4. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là trong việc tăng cường nội địa hóa sản xuất, chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, và tối ưu hóa chi phí và chuỗi cung ứng.
Với TradeInt, doanh nghiệp có thể nhanh chóng theo dõi được sự dịch chuyển của thương mại Việt Nam tại các thị trường chủ lực như Mỹ, dự báo biến động nhu cầu trong các ngành hàng, và tìm kiếm đối tác xuất-nhập khẩu giàu kinh nghiệm. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào thương mại toàn cầu, TradeInt giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và điều chỉnh chiến lược nhằm tối ưu hiệu quả vận hành và giữ đà phát triển vững mạnh.