Cán cân thương mại toàn cầu đang thay đổi từng ngày. Các quốc gia dẫn đầu xuất khẩu không chỉ sở hữu năng lực sản xuất đáng kinh ngạc, mà còn tiên phong trong đổi mới chuỗi cung ứng, logistics và chiến lược thương mại. Danh sách 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới không chỉ phản ánh dòng chảy thương mại hiện tại, mà còn mở ra những cơ hội thực tiễn cho doanh nghiệp Việt muốn vươn ra toàn cầu trong năm 2025.
Nếu bạn là doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường quốc tế, đừng bỏ qua những dữ liệu và góc nhìn chuyên sâu trong bài viết này.
Danh sách 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới (2024)
Theo báo cáo của UNCTAD, thương mại toàn cầu đạt mức kỷ lục 33 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tăng 3,7% so với năm 2023.
Dưới đây là bảng tổng hợp tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa theo giá trị của 10 quốc gia dẫn đầu trong năm 2024.

Báo cáo của UNCTAD khẳng định Đông Á và Nam Á – dẫn đầu bởi Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước ASEAN – đang trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới. Xu hướng này thể hiện qua mức tăng trưởng vượt trung bình toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp, dược phẩm. Việc các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới hiện nay tập trung tại châu Á phản ánh xu hướng “Châu Á hóa” thương mại quốc tế hậu đại dịch.
Toàn cảnh 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất
Trung Quốc: 3,58 nghìn tỷ USD
Tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt khoảng 3,58 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tăng 5,92% so với giá trị xuất khẩu hàng hóa của năm 2023. Ước tính, quốc gia tỷ dân này đóng góp tới 15,1% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, đồng nghĩa với việc gần 1/6 hàng hóa xuất khẩu trên toàn cầu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Có thể thấy rằng, sự tăng trưởng của xuất khẩu Trung Quốc không chỉ đến từ sản lượng, mà còn từ giá trị công nghệ cao, thể hiện bằng việc nhóm sản phẩm công nghệ cao đang chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Điều này không chỉ phản ánh chiến lược “nâng cấp cấu trúc xuất khẩu” của Bắc Kinh, mà còn là yếu tố then chốt để Trung Quốc giữ vững vai trò là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, bất chấp bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng biến động.
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu của Trung Quốc khi lần đầu tiên, các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) chiếm tới 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Khu vực châu Á đã chiếm tới 48,2% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc năm thứ 5 liên tiếp, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hợp tác chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và các hiệp định như RCEP.
Ngoài ra, nhóm thị trường đơn lẻ tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều nhất bao gồm: Mỹ (14,7%), Hồng Kông (8,1%), Việt Nam (4,5%), Nhật Bản (4,3%) và Hàn Quốc (4,1%) – cho thấy Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện vững chắc tại các thị trường quen thuộc.
Cơ hội và thách thức của Trung Quốc trong năm 2025
Trung Quốc đang tận dụng làn sóng chuyển đổi số tại các nước trong sáng kiến BRI và RCEP để đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ như thiết bị mạng, vi mạch và hạ tầng số. Từ cuối 2024, chính sách thuế suất 0% cho các quốc gia kém phát triển thân thiện giúp mở rộng thị trường tại châu Phi, Nam Á và Thái Bình Dương, đồng thời gia tăng ảnh hưởng kinh tế – chính trị.
Dù tồn tại những cơ hội rõ nét, nhưng bức tranh xuất khẩu của Trung Quốc năm 2025 được phủ màu thách thức nhiều hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, pin, xe điện chịu thuế lên tới 145%, kèm theo các biện pháp kiểm soát công nghệ và nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt hơn. Mỹ cũng chấm dứt ưu đãi thuế với các đơn hàng nhỏ từ Trung Quốc, dự kiến làm giảm 75% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong 18 tháng, kéo theo tác động lớn đến sản xuất và việc làm trong nước.
Chiến lược xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2025
Chiến lược xuất khẩu 2025 của Trung Quốc xoay quanh hai trụ cột: mở rộng thị trường và thúc đẩy công nghệ. Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh để giảm lệ thuộc Mỹ, đồng thời tăng đầu tư vào R&D và sản phẩm công nghệ cao như chip, xe điện, năng lượng tái tạo.
Thuế quan của Mỹ đang thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc phải tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) mới đây cũng là một công cụ chính sách ngắn hạn để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức từ chiến tranh thương mại, thuế quan, và cạnh tranh toàn cầu.
Hoa Kỳ: 2,09 nghìn tỷ USD
Đứng thứ 2 trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong năm 2024 là Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,08 nghìn tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn khoảng 1,9% so với năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Năm 2024, cơ cấu xuất khẩu của Hoa Kỳ cho thấy sự nổi trội ở các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao và giá trị gia tăng lớn như thiết bị hàng không, máy móc công nghiệp, hóa chất và linh kiện điện tử. Các nhóm hàng như thiết bị vận tải (trên 255 tỷ USD), hóa chất (252 tỷ USD), và sản phẩm công nghệ cao (gồm chip, máy tính, thiết bị bán dẫn) đóng vai trò trung tâm trong chuỗi xuất khẩu. Điều này phản ánh lợi thế của nền sản xuất của cường quốc thứ 2 về xuất khẩu này không nằm ở quy mô lớn như Trung Quốc, mà ở năng lực cung ứng những sản phẩm then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt hàng | Giá trị (tỷ USD) |
Phương tiện vận tải (HS 86-89) | 255,37 |
Hóa chất (HS 28-38) | 252,01 |
Khai khoáng (HS 25-27) | 201,72 |
Dầu mỏ và khí đốt (HS 27) | 176,69 |
Máy móc (trừ thiết bị điện) (HS 84) | 136,77 |
Máy tính và thiết bị điện tử (HS 85) | 131,46 |
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Năm 2024, Mỹ duy trì vị thế xuất khẩu hàng đầu với mạng lưới rộng khắp. Canada và Mexico là đối tác lớn nhất trong khối USMCA. Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ nhập nhiều nông sản, công nghệ và thiết bị quốc phòng.
Châu Âu là thị trường chủ lực với Hà Lan làm trung chuyển, còn Anh, Đức, Pháp nhập khẩu hàng kỹ thuật cao. Ngoài ra, Brazil, Úc, UAE nổi lên như thị trường tiềm năng, cho thấy khả năng mở rộng linh hoạt của Mỹ.

Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Năm 2025, hàng hóa Mỹ hưởng lợi từ xu hướng nhiều quốc gia chủ động gia tăng nhập khẩu để giảm thặng dư thương mại song phương và tránh rơi vào diện bị Mỹ áp thuế bổ sung. Ví dụ, Việt Nam đặt mua hơn 200 máy bay Boeing nhằm cân bằng thương mại, trong khi các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ tăng mua nông sản, thiết bị quốc phòng và công nghệ Mỹ để xoa dịu áp lực từ Washington.
Dù có cơ hội, triển vọng xuất khẩu Mỹ năm 2025 vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Chính sách bảo hộ mới – như tăng thuế nhập khẩu với xe điện, chip và nhôm Trung Quốc – làm dấy lên nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa, tái diễn các biện pháp như đánh thuế cao vào đậu nành, ô tô và máy bay Mỹ.
Sự bất định về thuế quan khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào sản xuất hàng xuất khẩu dài hạn. Biến động địa chính trị và nguy cơ chiến tranh thương mại lan rộng tiếp tục tạo sức ép lớn lên hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Chiến lược xuất khẩu của Hoa Kỳ trong năm 2025
Chiến lược xuất khẩu Mỹ 2025 tập trung vào các ngành công nghiệp giá trị cao như năng lượng, hàng không, công nghệ và nông sản, đồng thời siết chặt kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc.
LNG được xem là công cụ ngoại giao kinh tế, với các dự án xuất khẩu sang châu Á, châu Âu. Hàng không, bán dẫn và máy móc tăng mạnh nhờ nhu cầu hạ tầng tại Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản. Công nghệ cao được ưu tiên xuất khẩu sang các đồng minh để bảo vệ chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ.
Trong nông nghiệp, Mỹ thúc đẩy xuất khẩu đậu nành, bắp, thịt sang châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh qua chương trình FMD trị giá 34 triệu USD/năm.
Đức: 2,10 nghìn tỷ USD
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức đạt khoảng 1.684 tỷ USD, ghi nhận mức giảm nhẹ 1,1% so với năm 2023. Dù tăng trưởng chậm lại, Đức vẫn duy trì thặng dư thương mại ở mức 250 tỷ USD, khẳng định vị thế là một trong 3 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Phương tiện vận tải (HS 87) tiếp tục là mũi nhọn của xuất khẩu Đức, chiếm 16.9% tổng kim ngạch, với giá trị 284,1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu nổi bật khác gồm:
- Máy móc công nghiệp (HS 84): 271,5 tỷ USD (+16.1% so với năm 2023)
- Thiết bị điện (HS 85): 180,6 tỷ USD (+10.7% so với năm 2023)
- Dược phẩm (HS 30): 124,2 tỷ USD (+7.4% so với năm 2023)
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
2024 đánh dấu chuỗi 10 năm liên tiếp Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức, với kim ngạch lên tới 175,59 tỷ USD. Đáng chú ý, Ba Lan (101,44 tỷ USD) đã vượt Trung Quốc (97,78 tỷ USD), vươn lên thành một trong những đối tác xuất khẩu hàng đầu của Đức. Một số thị trường lớn khác gồm Pháp (125,64 tỷ USD), Hà Lan (118,84 tỷ USD) và Anh (87,45 tỷ USD). Xu hướng này phản ánh chiến lược đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Theo báo cáo kinh tế thường niên của chính phủ Đức, xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ giảm 0,3% trong năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là do sự suy giảm cạnh tranh và căng thẳng thương mại gia tăng, đặc biệt là các chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, đây là sẽ năm thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận sự sụt giảm trong xuất khẩu.
Dù vậy, Đức vẫn đứng trước những cơ hội đáng kể. Nhu cầu toàn cầu về sản phẩm thân thiện môi trường và công nghệ cao đang tăng mạnh, mở ra tiềm năng lớn cho các ngành thiết bị năng lượng tái tạo, xe điện và robot công nghiệp. Ngoài các thị trường truyền thống, Ấn Độ, ASEAN và Mỹ Latinh cũng nổi lên như những điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực máy móc, dược phẩm và công nghệ cao – thế mạnh xuất khẩu của Đức.
Bên cạnh cơ hội, thách thức cho xuất khẩu Đức vẫn rất lớn. Chi phí điện năng cao và tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Đức. Ngoài ra, nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại toàn cầu, nhất là từ Mỹ, tiếp tục gây áp lực lớn, đặc biệt đối với các ngành chủ lực như ô tô và máy móc công nghiệp.
Chiến lược xuất khẩu của Đức trong năm 2025
Trong năm 2025, Đức tập trung vào việc xanh hóa chuỗi cung ứng xuất khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hydro xanh, năng lượng tái tạo, pin thế hệ mới và xe điện. Cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới này cũng đang thúc đẩy việc tăng cường đầu tư và liên kết với các trung tâm sản xuất trong EU, nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất.
Đối mặt với rào cản thương mại gia tăng, Đức đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán các FTA với Chile, Mercosur, Mexico và mở rộng xuất khẩu thiết bị y tế, máy móc, ô tô, dược phẩm sang Ấn Độ và ASEAN. Ngoài ra, chính phủ Đức đang kỳ vọng sớm đạt FTA với Hoa Kỳ nhằm giảm rào cản thương mại và bảo vệ lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Hà Lan: 735,52 tỷ USD
Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 735,5 tỷ USD trong năm 2024, Hà Lan tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới – cụ thể là đứng thứ 4 toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng so với năm 2023 không bứt phá mạnh, nhưng vẫn đủ để cho thấy sức bật ổn định giữa bối cảnh chuỗi cung ứng thế giới chưa hoàn toàn hồi phục.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Nhóm hàng xuất khẩu | Giá trị (tỷ USD) | Tỷ trọng (%) |
Nhiên liệu khoáng, dầu, sản phẩm chưng cất | 105,72 | 15% |
Máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi | 99,02 | 14% |
Thiết bị điện, điện tử | 63,61 | 8,8% |
Thiết bị quang học, nhiếp ảnh, y tế, kỹ thuật | 48,08 | 6,6% |
Sản phẩm dược phẩm | 39,29 | 5,4% |
Nhựa và các sản phẩm từ nhựa | 26,45 | 3,6% |
Phương tiện vận tải (trừ đường sắt, tàu điện) | 24,94 | 3,4% |
Hóa chất hữu cơ | 20,91 | 2,9% |
Các sản phẩm hóa chất khác | 16,73 | 2,3% |
Sản phẩm từ sữa, trứng, mật ong, thực phẩm ăn được khác | 13,54 | 1,9% |
Cơ cấu xuất khẩu năm 2024 của Hà Lan thể hiện sự đa dạng hóa, trong đó nhiên liệu khoáng và sản phẩm lọc dầu (105,7 tỷ USD), máy móc và nồi hơi công nghiệp (99 tỷ USD), cùng với thiết bị điện tử (63,6 tỷ USD) là ba nhóm hàng dẫn đầu. Đáng chú ý, các mặt hàng như thiết bị quang học, y tế (48 tỷ USD) và dược phẩm (39,3 tỷ USD) không chỉ có giá trị lớn mà còn thể hiện xu hướng dịch chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và có giá trị gia tăng.
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Lan luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới – vị trí của họ không chỉ đến từ sản phẩm mà còn đến từ mạng lưới đối tác cực kỳ ổn định và chiến lược.
Quốc gia | Giá trị xuất khẩu (tỷ USD) | Tỷ trọng |
Đức | 160,84 | 23% |
Bỉ | 85,94 | 12% |
Pháp | 56,45 | 8,1% |
Vương quốc Anh | 44,89 | 6,4% |
Hoa Kỳ | 41,47 | 5,9% |
Ý | 29,58 | 4,2% |
Tây Ban Nha | 24,58 | 3,5% |
Trung Quốc | 22,30 | 3,2% |
Ba Lan | 22,06 | 3,2% |
Thụy Điển | 14,51 | 2,1% |
Năm 2024, Đức tiếp tục là điểm đến xuất khẩu hàng đầu với kim ngạch lên tới 160,84 tỷ USD, và 5/10 thị trường lớn nhất đều nằm trong Liên minh châu Âu – cho thấy thị trường nội khối vẫn là “sân chơi quen thuộc” của Hà Lan, bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa sang các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ (41,47 tỷ USD) hay Trung Quốc (22,30 tỷ USD). Việc xuất khẩu sang Anh (44,89 tỷ USD) vẫn duy trì ở mức cao sau Brexit, cho thấy tính linh hoạt trong điều chỉnh quy định và logistics của doanh nghiệp Hà Lan.
Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Hà Lan giữ vai trò trung tâm logistics châu Âu nhờ cụm cảng Rotterdam – Schiphol – Antwerp. Việc rút ngắn chuỗi cung ứng và tăng tính bền vững hậu đại dịch giúp Hà Lan tiếp tục là mắt xích quan trọng. Tăng trưởng thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á mở ra cơ hội đa dạng hóa.
Tuy nhiên, khoảng 65–70% tổng xuất khẩu của Hà Lan là đến các nước EU. Việc phụ thuộc nặng vào EU (65–70%) khiến xuất khẩu của Hà Lan dễ bị ảnh hưởng nếu kinh tế khu vực chững lại. Chi phí lao động, năng lượng cao và thiếu nhân lực kỹ thuật làm giảm sức cạnh tranh.
Chiến lược xuất khẩu của Hà Lan trong năm 2025
Từ ngày 1/4/2025, Hà Lan đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, bao gồm cả thiết bị đo lường và kiểm tra, nhằm đảm bảo rằng các công nghệ nhạy cảm không rơi vào tay các quốc gia có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Để giảm phụ thuộc vào EU – vốn chiếm hơn 60% tổng kim ngạch, Hà Lan cũng đang tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại với các thị trường ngoài EU, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, thông qua các hiệp định thương mại tự do và hợp tác song phương.
Nhật Bản: 707,39 tỷ USD
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt 707,39 tỷ USD, ghi nhận mức tăng nhẹ so với năm 2023 (ước tính khoảng 693 tỷ USD), song không đủ để đảo ngược tình trạng thâm hụt thương mại – vốn đã lên tới 35,28 tỷ USD trong năm qua. Trong bối cảnh đồng yên tiếp tục suy yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu có phần hưởng lợi, nhưng áp lực chi phí đầu vào nhập khẩu lại tạo nên một cuộc đua ngầm về hiệu suất và giá trị gia tăng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Ba nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản năm 2024 gồm:
- Phương tiện vận tải không thuộc đường sắt (HS 87): 150,89 tỷ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch – tiếp tục giữ vai trò “quốc hồn quốc túy” của công nghiệp Nhật.
- Máy móc công nghiệp và nồi hơi (HS 84): 125,73 tỷ USD, tương đương 18%.
- Thiết bị điện, điện tử (HS 85): 101,05 tỷ USD – phản ánh thế mạnh truyền thống của Nhật trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu.
Ngoài ra, các nhóm hàng như thiết bị quang học – y tế, sắt thép, hóa chất hữu cơ và kim loại quý cũng đóng góp quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu, cho thấy sự đa dạng và chiều sâu của nền công nghiệp quốc gia.
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch 141,52 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (124,63 tỷ USD) và Hàn Quốc (46,38 tỷ USD). Khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang dần củng cố vị thế là “vùng đệm” chiến lược, giúp Nhật phân tán rủi ro khỏi thị trường phương Tây.

Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản đến từ nhu cầu tăng cao đối với xe hybrid, robot công nghiệp và các thiết bị tiết kiệm năng lượng – những lĩnh vực mà nước này vẫn dẫn đầu. Đặc biệt, việc các nước ASEAN đẩy mạnh công nghiệp hóa mang đến thị trường rộng mở cho máy móc và thiết bị sản xuất của Nhật.
Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Đồng yên yếu hỗ trợ xuất khẩu trong ngắn hạn nhưng khiến chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu tăng mạnh. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt trong ngành chip và ô tô điện, đang đòi hỏi các doanh nghiệp Nhật phải đổi mới nhanh hơn.
Chiến lược xuất khẩu của Nhật Bản trong năm 2025
Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi giá trị xuất khẩu theo hướng “kép”: vừa bảo vệ thị phần truyền thống tại Mỹ và châu Á, vừa tiến sâu vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Việt Nam và châu Phi. Trọng tâm là các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn, pin thế hệ mới, robot và thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, Nhật tăng cường đầu tư vào các hiệp định thương mại đa phương như RCEP, CPTPP và FTA song phương với EU – tạo khung pháp lý bền vững cho xuất khẩu trong dài hạn.
Hàn Quốc: 683,13 tỷ USD
Năm 2024, Hàn Quốc thiết lập mốc xuất khẩu kỷ lục mới, đạt 683,8 tỷ USD – tăng 8,2% so với năm 2023 và vượt qua cả mức đỉnh cũ năm 2022. Việc giữ vững đà tăng trưởng này không chỉ thể hiện sức bật của ngành công nghệ Hàn Quốc mà còn khẳng định vị thế của nước này trong nhóm quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới – tăng hai bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu (theo WTO).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Linh kiện điện tử và bán dẫn (HS 85) dẫn đầu với kim ngạch 212,9 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu – nhờ vào sự tăng trưởng bứt phá của chip nhớ cao cấp như DDR5 và HBM. Đáng chú ý, doanh thu từ lĩnh vực bán dẫn tăng tới 43,9%. 1 số ngành có giá trị xuất khẩu lớn khác là:
- Phương tiện vận tải (HS 87): 91,87 tỷ USD
- Máy móc công nghiệp (HS 84): 80,45 tỷ USD
- Nhiên liệu khoáng (HS 27): 52,62 tỷ USD
- Nhựa (HS 39) và thép (HS 72) cũng đạt doanh thu trên 24 tỷ USD mỗi ngành.
Các mặt hàng mang tính truyền thống như tàu thủy, mỹ phẩm, và sản phẩm nông thủy sản đều đạt ngưỡng tăng trưởng hai chữ số, cho thấy cơ cấu xuất khẩu đang mở rộng, không còn phụ thuộc vào một ngành duy nhất.
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, mỗi thị trường chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 133 tỷ USD (tăng 6,6%), trong khi Mỹ lập kỷ lục mới năm thứ 7 liên tiếp với 127,8 tỷ USD (tăng 10,5%).
Một số thị trường tăng trưởng nổi bật:
- Việt Nam: 58,3 tỷ USD, tương đương khoảng 9%
- Ấn Độ và ASEAN: duy trì mức tăng trên 4%
- Châu Mỹ Latin và Trung Đông: tăng trưởng lần lượt 17,8% và 4,8%
Mạng lưới thị trường của Hàn Quốc trải dài từ các trung tâm công nghệ như Mỹ, đến các điểm tiêu dùng năng động như ASEAN – phản ánh chính sách thương mại đa hướng rõ nét.
Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Năm 2025, Hàn Quốc giữ vững vai trò cường quốc xuất khẩu chip với 141,9 tỷ USD, nhờ nhu cầu AI và trung tâm dữ liệu. Samsung, SK Hynix dẫn đầu mảng HBM và DDR5.
K-beauty đạt kỷ lục 10,2 tỷ USD, tăng mạnh tại Mỹ và Nhật. K-food tăng 7,9% trong quý I, nổi bật với gà hầm sâm và nho không hạt. K-pharma đạt 25,26 tỷ USD, nhờ dược sinh học và thuốc thế hệ mới.
Sau năm 2024 rực rỡ với kim ngạch xuất khẩu đạt 683,8 tỷ USD, Hàn Quốc bước vào năm 2025 với nhiều thách thức. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 1–3%, phản ánh sự chững lại do tác động của các yếu tố bên ngoài như chính sách bảo hộ thương mại và bất ổn chính trị trong nước.
Chiến lược xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2025
Năm 2025, Hàn Quốc đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ trong chip, năng lượng sạch và sinh học, kỳ vọng giữ vị trí dẫn đầu chip HBM và mở rộng hệ sinh thái AI – công nghiệp phụ trợ.
Song song, nước này tăng cường FTA, thúc đẩy xuất khẩu xanh với tàu LNG, pin mới và công nghệ hydro. Mục tiêu: vượt 700 tỷ USD và vào top 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Ý: 674,87 tỷ USD
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Ý đạt 674,87 tỷ USD, ghi nhận mức tăng nhẹ so với năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều bất ổn.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Ba trụ cột trong xuất khẩu của Ý năm 2024 là:
- Máy móc, thiết bị công nghiệp và lò phản ứng hạt nhân (HS 84): 116,02 tỷ USD – chiếm 17% tổng kim ngạch, khẳng định thế mạnh kỹ thuật của các doanh nghiệp Ý.
- Sản phẩm dược phẩm (HS 30): 55,55 tỷ USD – tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu toàn cầu về dược phẩm chất lượng cao.
- Phương tiện vận tải (HS 87): 47,01 tỷ USD – chủ yếu là xe hơi và phụ tùng, đặc biệt nổi bật với các thương hiệu cao cấp của Ý như Ferrari và Lamborghini.
Ngoài ra, Ý còn xuất khẩu mạnh các sản phẩm điện tử (45,8 tỷ USD), trang sức (25,7 tỷ USD), và nhựa (24,25 tỷ USD).
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Ý duy trì vị thế là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới nhờ mạng lưới thương mại rộng khắp, đặc biệt tại châu Âu:
- Đức (76,82 tỷ USD), Hoa Kỳ (70,16 tỷ USD), Pháp (67,37 tỷ USD) là ba thị trường dẫn đầu.
- Các đối tác châu Âu khác như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Bỉ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Năm 2025, xuất khẩu Ý hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi toàn cầu với các sản phẩm cao cấp, bền vững như thực phẩm hữu cơ, dược phẩm sinh học và thiết kế tiết kiệm năng lượng. Chính phủ cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang châu Á, châu Phi để mở rộng ảnh hưởng ngoài EU.
Năm 2025, Ý đối mặt thách thức từ xu hướng bảo hộ thương mại, nhất là tại Mỹ, cùng rủi ro chuỗi cung ứng. Biến động địa chính trị và xung đột khu vực cũng có thể làm suy yếu triển vọng xuất khẩu của nước này trong ngắn hạn.
Chiến lược xuất khẩu của Ý trong năm 2025
Chiến lược xuất khẩu 2025 của Ý tập trung vào đổi mới và chuyển dịch xanh, ưu tiên sản phẩm giá trị cao như công nghệ sinh học, thiết bị y tế, thời trang và thực phẩm cao cấp. Ý cũng mở rộng sang các thị trường mới nổi như ASEAN, Nam Mỹ, Trung Đông và thúc đẩy FTA để giảm rào cản và bảo vệ lợi ích doanh nghiệp ngoài EU.
Pháp: 626,2 tỷ USD
Trong bức tranh thương mại toàn cầu, Pháp tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 626,2 tỷ USD trong năm 2024. Dù giảm nhẹ 1,8% so với năm 2023, cấu trúc thị trường xuất khẩu của Pháp vẫn cho thấy sự ổn định và định hướng rõ ràng vào khu vực châu Âu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Mặt hàng | Giá trị (tỷ USD) | Tỷ trọng |
Máy móc, bao gồm máy tính | 73,4 | 11,7% |
Phương tiện giao thông (xe hơi…) | 55,4 | 8,9% |
Thiết bị điện, máy móc điện | 46,6 | 7,4% |
Máy bay, tàu vũ trụ | 40,1 | 6,4% |
Dược phẩm | 38,8 | 6,2% |
Nước hoa, mỹ phẩm | 27,5 | 4,4% |
Nhiên liệu khoáng sản (gồm dầu) | 25,7 | 4,1% |
Nhựa và sản phẩm từ nhựa | 23,1 | 3,7% |
Đồ uống có cồn, giấm | 21,1 | 3,4% |
Thiết bị quang học, y tế | 18,3 | 2,9% |
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Châu Âu là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Pháp, chiếm 65,6% tổng kim ngạch, với các quốc gia thành viên EU đóng góp 54,5%. Đây là bằng chứng cho thấy mức độ phụ thuộc cao của Pháp vào thị trường chung châu Âu, đồng thời phản ánh ưu thế về địa lý và chuỗi cung ứng tích hợp khu vực.
Các quốc gia nhập khẩu lớn nhất từ Pháp trong năm 2024 có thể kể tới:
- Đức – thị trường số 1 với 13,3% tổng xuất khẩu,
- Ý (8,3%),
- Mỹ (8,1%) – thị trường lớn nhất ngoài EU,
- Bỉ (7,8%),
- Tây Ban Nha (7,5%),
- Vương quốc Anh (6,4%) – vẫn duy trì vai trò quan trọng sau Brexit.
Trong khi đó, các thị trường châu Á chỉ chiếm 17,3% và Bắc Mỹ khoảng 9,5%. Trung Quốc đứng thứ 7 với 4,1% tổng kim ngạch, cho thấy dư địa tăng trưởng lớn nếu Pháp có chiến lược tiếp cận mạnh mẽ hơn vào châu Á.
Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Triển vọng xuất khẩu Pháp 2025 là “cửa hẹp” nhưng vẫn mở. Pháp tận dụng lợi thế điện sạch (dự kiến xuất 85 TWh) như một mặt hàng chiến lược mới, gia tăng uy tín trong khủng hoảng năng lượng. Song song, nước này mở rộng hiện diện tại Ấn Độ, Việt Nam, Brazil và thúc đẩy FTA, nhằm giảm phụ thuộc vào EU đang tăng trưởng chậm.
Pháp đối mặt thuế quan từ Mỹ, khi rượu vang và nước hoa trở thành mục tiêu trong thương chiến. Xuất khẩu lúa mì cũng lao dốc do vụ mùa kém và cạnh tranh từ Nga. Tại các thị trường châu Phi, nơi Pháp từng có lợi thế lịch sử, giá cả và thời gian giao hàng giờ đây mới là vua – không còn chỗ cho cảm tính.
Chiến lược xuất khẩu của Pháp trong năm 2025
Chính phủ đang thúc đẩy chiến dịch “Team France Export” – một mô hình liên kết các cơ quan công quyền, đại sứ quán và tổ chức thương mại nhằm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) xuất khẩu hiệu quả hơn. Trong năm 2025, việc đưa các SMEs vào “sân chơi toàn cầu” không còn là khuyến nghị, mà là sống còn.
Thêm vào đó, chính sách đa dạng hóa thị trường được đẩy mạnh với trọng tâm là châu Á và châu Phi – nơi Pháp muốn không chỉ bán hàng, mà thiết lập hệ sinh thái thương mại bền vững. Các sự kiện như “Agro Export Days 2025” là ví dụ điển hình cho cách Paris chuyển từ tư duy “xuất khẩu hàng hóa” sang “xuất khẩu hình ảnh và giá trị”.
Mexico: 617 tỷ USD
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Mexico đạt mức kỷ lục 617,09 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2023 và vượt xa kỳ vọng của giới chuyên gia. Với tỷ trọng gần 90% đến từ hàng hóa chế tạo, Mexico tiếp tục khẳng định vị thế trong danh sách quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu là ngành ô tô với 193,9 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch. Bên cạnh đó, nhóm hàng điện tử, thiết bị máy tính, thiết bị y tế và chất dẫn điện cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Với hơn 84% kim ngạch xuất khẩu đổ vào thị trường Hoa Kỳ, Mexico là đối tác thương mại số 1 của Mỹ trong năm 2024, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong phân khúc xuất khẩu công nghệ cao. Theo dữ liệu từ U.S. Census Bureau, xuất khẩu công nghệ cao của Mexico sang Mỹ đạt 102,49 tỷ USD – tăng 35,2% và chỉ còn cách Trung Quốc 10 tỷ USD. Sự trỗi dậy này không chỉ đến từ lợi thế địa lý, mà còn là kết quả của làn sóng đầu tư FDI vào công nghệ cao như chip bán dẫn, điện tử, y sinh và ô tô điện.
Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Bước sang năm 2025, xuất khẩu Mexico đứng trước những cơ hội chiến lược khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn nước này làm điểm đến cho sản xuất thay thế Trung Quốc. Những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh bao gồm: linh kiện bán dẫn, công nghệ sạch, thiết bị y tế, hàng tiêu dùng điện tử và thực phẩm chế biến. Ngoài Hoa Kỳ, các thị trường như Canada, Đức, Nhật Bản và khu vực ASEAN cũng đang thể hiện nhu cầu tăng nhập khẩu từ Mexico, mở ra dư địa lớn cho chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Dù triển vọng tích cực, Mexico vẫn phải đối mặt nguy cơ Mỹ áp thuế 25% lên toàn bộ hàng xuất khẩu, ảnh hưởng gần 500 tỷ USD. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ khiến Mexico dễ tổn thương trước biến động chính trị và địa chính trị.
Chiến lược xuất khẩu của Pháp trong năm 2025
Mexico thúc đẩy “tăng nội lực, mở rộng thị trường” bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tự chủ công nghệ, tăng nội địa hóa. Song song, nước này đàm phán FTA với EU, Nhật, ASEAN và Trung Đông để giảm phụ thuộc Mỹ, hướng tới trở thành công xưởng công nghệ mới của châu Mỹ.
Singapore: 504,8 tỷ USD
Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 504,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023 (475,5 tỷ USD), Singapore tiếp tục khẳng định vị thế là top 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, bất chấp diện tích và dân số khiêm tốn.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Cấu trúc xuất khẩu của Singapore mang đậm dấu ấn của một nền kinh tế công nghệ cao và trung tâm logistics toàn cầu.
- Thiết bị điện và điện tử (HS 85) tiếp tục giữ ngôi đầu với kim ngạch 175,8 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng xuất khẩu.
- Máy móc, thiết bị bán dẫn và máy tính (HS 84) đạt 91,6 tỷ USD
- Nhiên liệu khoáng (HS 27) 56,2 tỷ USD
- Thiết bị y tế, kỹ thuật và quang học (HS 90) 25,2 tỷ USD.
Đây chính là nền tảng giúp Singapore duy trì thặng dư thương mại 47,3 tỷ USD, bất chấp giá dầu và biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các thị trường xuất khẩu chủ chốt
Trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực, Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia là ba điểm đến lớn nhất, lần lượt chiếm 14%, 10,9% và 10,4% tổng kim ngạch. Hoa Kỳ (8,7%), Indonesia (7,9%) và Đài Loan (4,8%) cũng là những thị trường quan trọng. Đáng chú ý, 78,2% hàng hóa của Singapore được xuất khẩu sang các nước châu Á, khẳng định vị thế là trung tâm kết nối thương mại khu vực.

Cơ hội và thách thức trong năm 2025
Năm 2025, cơ hội mở ra cho xuất khẩu Singapore đến từ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng với các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn, thiết bị viễn thông và y tế kỹ thuật số. Sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử và chuyển đổi số toàn cầu là nền tảng giúp Singapore duy trì lợi thế cạnh tranh trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
“Đảo quốc sư tử” cũng đối mặt với không ít thách thức: từ căng thẳng địa chính trị, biến động tỷ giá làm giảm sức cạnh tranh giá xuất khẩu, cho đến sự phụ thuộc vào re-export – khiến Singapore dễ bị ảnh hưởng khi các đối tác thay đổi chuỗi cung ứng hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ.
Chiến lược xuất khẩu của Pháp trong năm 2025
Chiến lược xuất khẩu năm 2025 của Singapore sẽ xoay quanh ba trụ cột chính:
- Tăng tốc đầu tư vào công nghệ bán dẫn thế hệ mới, năng lượng tái tạo và AI – tận dụng làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.
- Đa dạng hóa thị trường ngoài châu Á, tập trung vào Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông, nhằm giảm rủi ro địa chính trị và mở rộng dung lượng thị trường.
- Thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và logistics thông minh, trong đó Singapore sẽ tiếp tục đầu tư vào nền tảng chuỗi cung ứng số, blockchain và các hiệp định thương mại tự do song phương như DEPA (Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số).
Bài học gì cho doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2025?
Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung sản xuất mà thiếu dữ liệu thị trường, dẫn đến sản phẩm tốt nhưng không chạm đúng nhu cầu. Xuất khẩu vẫn đang được tiếp cận theo kiểu “phản ứng” – chờ đơn hàng, qua trung gian – thay vì dẫn dắt bằng dữ liệu và lựa chọn vị trí thông minh trong chuỗi cung ứng.
Kết quả? Lợi nhuận mỏng, rủi ro cao, khó mở rộng quy mô.
Trong một thế giới mà xuất khẩu không còn là cuộc đua về giá, mà là cuộc đua về vị trí trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp cần nhìn mình không chỉ là “người bán hàng” – mà là mắt xích quan trọng của một hệ thống toàn cầu.
TradeInt không chỉ giúp bạn tra cứu dữ liệu xuất nhập khẩu – mà còn là bản đồ chiến lược để định vị lại doanh nghiệp của bạn trên bản đồ thế giới.
Thông tin từ nền tảng tra cứu thông tin xuất nhập khẩu – TradeInt cho phép bạn:
- Ngành nào đang tăng trưởng nóng?
- Thị trường nào đang thiếu hụt nguồn cung?
- Đối thủ nào đang thoái trào?
- Chuỗi cung ứng nào đang cần một mắt xích như doanh nghiệp của bạn?
TradeInt không chỉ là công cụ để tra cứu số liệu – mà còn là bản đồ chiến lược để định vị lại doanh nghiệp của bạn trên bản đồ thế giới.
Liên hệ ngay hôm nay để trải nghiệm nền tảng tra cứu thông tin xuất nhập khẩu TradeInt miễn phí!

Hannah Le
Chuyên gia xuất nhập khẩu - Cố vấn thương mại
Tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong phân tích dữ liệu xuất nhập khẩu, chiến lược thị trường và tư vấn logistics cho doanh nghiệp. Hiện, tại tôi đang là cố vấn tại TradeInt.vn – nền tảng tra cứu thông tin xuất nhập khẩu và xu hướng thương mại toàn cầu.