Trong 3 tháng đầu năm 2025, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ giá gạo giảm và áp lực cạnh tranh từ những nguồn cung lớn trên thế giới. Tuy vậy, tín hiệu phục hồi của thị trường trong những tháng tiếp theo và tiềm năng của những nhà nhập khẩu mới nổi vẫn mang lại những dự báo tích cực. Vậy trong năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gạo sang nước nào nhiều nhất? Đâu là những cơ hội mới cho ngành hàng này? Hãy cùng TradeInt tìm hiểu nhé!
Tổng quan tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam Quý 1/2025
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong quý 1/2025. Khối lượng xuất khẩu gạo đạt 2.31 triệu tấn, tăng nhẹ (5,82%) so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,21 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ do giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 20,18%, còn khoảng 522 USD/tấn. Sự sụt giảm giá gạo xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt sau khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Từ đầu tháng 4/2025 giá gạo đã có dấu hiệu hồi phục và Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về giá gạo tẻ thường 5% tấm trong số các nước xuất khẩu hàng đầu.
Đầu 2025, Việt Nam xuất khẩu gạo sang nước nào nhiều nhất?

#1. Philippines - 985.941 tấn
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 43% thị phần trong quý 1/2025. Người tiêu dùng tại đây có xu hướng ưa chuộng gạo phổ thông, gạo trắng 5% tấm, và gạo thơm.
Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu gạo của Philippines vẫn lớn do dân số đông và phụ thuộc nhập khẩu gạo cao. Vì vậy, thị trường này sẽ là mảnh đất màu mỡ với tiềm năng tăng trưởng ổn định, đặc biệt khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm và chất lượng cao.

#2. Bờ Biển Ngà - 293.296 tấn
Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều thứ hai trong quý 1/2025 – chiếm 12,7% tổng thị phần – và cũng là một trong những nước ở châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo cao nhất. Thị trường này ưa chuộng các sản phẩm gạo phổ thông, gạo trắng, gạo 5% tấm, và có giá cả phải chăng để phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
Đây là một thị trường có dư địa mở rộng rất lớn do có dân số tăng nhanh, có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn và ổn định. Dự báo nhập khẩu gạo của Bờ Biển Ngà sẽ đạt khoảng 1,8 triệu tấn trong năm 2025, mở ra cơ hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tương lai.
#3. Trung Quốc - 232.136 tấn
Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2025. Trong những tháng tiếp theo, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu những mặt hàng được ưa chuộng như gạo thơm và gạo đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng tại đây.

Trong năm 2024, khối lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm khá đáng kể. Một lý do là quy định của Trung Quốc về hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu sang nước này. Cụ thể, trong số khoảng 200 doanh nghiệp gạo đã được cấp phép, chỉ có 21 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về cả chất lượng lẫn bao bì và đóng gói sản phẩm. Gạo của Thái Lan và Lào có mặt tại các siêu thị Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, nơi có yêu cầu khắt khe về chất lượng và bao bì, đều đóng gói chắc chắn, bắt mắt, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc hơn.
Tuy vậy, với dân số cao, nhu cầu gạo ổn định, đây vẫn là một thị trường còn nhiều cơ hội phát triển.
#4. Ghana - 175.052 tấn
Đây là một trong những thị trường tỷ đô của hạt gạo Việt Nam, chiếm 7,6% thị phần xuất khẩu. Đất nước tại châu Phi này đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng về dân số và kinh tế, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ gạo gia tăng.
Nhu cầu của người tiêu dùng Ghana chủ yếu là gạo phổ thông và gạo 5% tấm. Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vào Ghana có nhiều dư địa cho phát triển và mở rộng, đặc biệt khi GDP của quốc gia này đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây.

#5. Malaysia - 96.099 tấn
#5. Malaysia - 96.099 tấn
Gạo là một trong những sản phẩm nổi bật nhất trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia. Trong quý 1/2025, Việt Nam thu về 52,7 triệu USD từ xuất khẩu gạo sang Malaysia – đây cũng là mặt hàng có giá trị cao nhất của nhóm nông thủy sản.
Trong quý 1/2025, Malaysia chiếm trên 4% thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam. Thị trường Malaysia có sự đa dạng về tiêu thụ gạo, từ gạo phổ thông đến gạo thơm chất lượng cao. Đây là một thị trường ổn định với nhu cầu gạo thơm và gạo đặc sản có xu hướng gia tăng. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng thực phẩm và an toàn vệ sinh, thị trường gạo Việt Nam tại Malaysia dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có cơ hội mở rộng sản phẩm sang các dòng sản phẩm chất lượng cao.

Các cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Bài toán cấp bách: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo
Trong bối cảnh giá xuất khẩu gạo trên thế giới gặp phải đà giảm chung, các chuyên gia cho rằng tốc độ sụt giảm giá gạo ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với Thái Lan. Điều này được cho là xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp quá tập trung vào một số ít thị trường mua số lượng nhiều, nhằm hưởng “chênh lệch đầu tấn”, nghĩa là bán khối lượng nhiều để đạt lợi nhuận cao mà không lưu tâm tới giá trị. Vì vậy, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam đã nhanh chóng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường có biến động.
Sự sụt giảm đáng kể của giá gạo xuất khẩu trong đầu năm 2025 đã đặt ra bài toán cấp bách về việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh khai thác tốt thị trường truyền thống, việc mở ra các thị trường mới là sự thay đổi đặc biệt cần thiết. Không có một “công thức chung” cho việc mở rộng thị trường, bởi lẽ mỗi doanh nghiệp sẽ có những thế mạnh và chiến lược riêng linh hoạt để thực hiện việc này.

Thị trường mới tiềm năng cho gạo Việt Nam
Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, các điểm đến mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025 có thể kể tới:
#1. Bangladesh
Trong số các thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, Bangladesh nổi bật với mức tăng trưởng 5 chữ số trong năm 2025, tăng 81.047% về lượng và 51.457% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ các hợp đồng xuất khẩu theo hình thức chính phủ với chính phủ (G2G) mà Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã ký kết. Gạo xuất khẩu sang Bangladesh có giá bán đạt 474,25 USD/tấn, cao hơn so với mức giá gạo trắng thông thường trên thị trường quốc tế, điều này chứng tỏ sự ổn định về chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam.
Mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn ở Nam Á, Bangladesh vẫn cần phải nhập khẩu gạo trong những thời điểm thiếu hụt cung cầu nhằm bình ổn giá lương thực. Vì vậy, chính phủ Bangladesh đã phê duyệt đề xuất nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào ngày 28/1/2025, mở đường cho các đợt nhập khẩu gạo trong thời gian tới. Đồng thời, Chương trình Bán hàng thị trường mở (OMS) từ tháng 2/2025 tại Bangladesh đã và đang mở rộng mạng lưới phân phối gạo trên toàn quốc, bao gồm các thành phố lớn và khu vực có đông lao động. Đây là những cơ hội quan trọng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

#2. Các nước châu Âu
Tiềm năng mở rộng tại các thị trường châu Âu đang ngày càng trở nên rõ nét, đặc biệt ở phân khúc các sản phẩm chất lượng cao. Gạo ST25 của Việt Nam, một trong những loại gạo nổi bật nhất, đang ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Italia, Đan Mạch và Thụy Điển, với giá lên đến 1.250 USD/tấn – cao hơn nhiều so với các thị trường khác, như Trung Quốc, nơi gạo ST25 chỉ đạt khoảng 700-800 USD/tấn.
Dù không tăng trưởng đột biến về khối lượng xuất khẩu, đây là những sản phẩm ghi nhận mức giá tương đối ổn định, kể cả khi giá gạo có xu hướng sụt giảm.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tận dụng các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, mở rộng độ bao phủ và gia tăng giá trị xuất khẩu gạo, đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia sản xuất gạo khác.

#3. Singapore
Singapore là một thị trường được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam dành nhiều sự quan tâm do có vị thế của một trung tâm thương mại quan trọng ở Đông Nam Á. Tại Singapore, gạo nếp và gạo thơm của Việt Nam được nhiều người lựa chọn và được xếp trong phân khúc cao cấp nhờ chất lượng vượt trội.
Cơ hội tại Singapore không chỉ nằm ở nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn ở vai trò trung chuyển ra các thị trường lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và cải thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Ngoài ra, thị trường Singapore cũng có yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, với việc Chính phủ Singapore trực tiếp kiểm tra chất lượng gạo trước khi nhập khẩu. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hình ảnh thương hiệu để gia tăng sự hiện diện và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

#4. Các nước châu Phi khác
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu nhập khẩu gạo từ châu Phi dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt từ các quốc gia cận Sahara. Do đó, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cả gạo phổ thông và gạo thơm, gạo chất lượng cao, vào thị trường này.
Tuy nhiên, việc châu Phi đang tìm kiếm thêm nguồn cung từ các quốc gia khác cũng có nghĩa Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh đáng kể. Hiện nay, Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 4 trong các quốc gia xuất khẩu gạo sang châu Phi, sau các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng gạo, cải thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng sự hiện diện của gạo Việt Nam tại các thị trường châu Phi.
#5. Các nước ASEAN
Ngoài Philippines và Malaysia, các thị trường như Indonesia và Campuchia cũng có tiềm năng lớn cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt khi nguồn cung trong nước của họ có thể biến động.
Dù Indonesia có sản lượng lúa gạo lớn, nhưng vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trong những năm có biến động về sản xuất. Gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo thơm và gạo chất lượng cao, đã từng bước chiếm lĩnh thị phần tại đây nhờ vào chính sách xuất khẩu phù hợp và sự gia tăng sản xuất tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, Campuchia cũng là thị trường tiềm năng, với nhu cầu nhập khẩu gạo để phục vụ tiêu thụ nội địa. Gạo Việt Nam được ưa chuộng nhờ vào chất lượng ổn định và giá thành hợp lý. Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển tại thị trường này là mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Với chính sách mở cửa và yêu cầu cải thiện chất lượng lúa gạo, các nước Đông Nam Á đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung gạo ổn định từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu, cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm các cơ hội mở rộng tại những thị trường mới nổi này.
Dự báo thị trường xuất khẩu gạo đến cuối năm 2025
Về khối lượng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo có thể sẽ chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn ghi nhận trong năm 2024. Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu trong quý I/2025 đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, hiện ở mức khoảng 515-522 USD/tấn. Những biến động này chủ yếu là do áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan với lượng dự trữ lớn và giá ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu gia tăng lượng gạo thơm chất lượng cao và ST24, ST25, lượng ngoại tệ mà ngành hàng này mang lại vẫn có thể duy trì ở mức tích cực. Đồng thời, từ cuối tháng 4/2025, giá gạo đã có dấu hiệu phục hồi.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, họ vẫn có những điều kiện thuận lợi nhất định để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh như:
- Hệ thống cảng biển phát triển và chỉ số năng lực logistics ngày càng cao, xếp thứ 43 trên 160 quốc gia, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo sang các thị trường, đặc biệt là các nước ASEAN.
- Cơ sở vật chất sản xuất và chế biến đang ngày càng tiên tiến, hiện đại, từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch tới xay xát, chế biến và bảo quản. Đặc biệt, ngày 5/6 vừa rồi, Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng “Gạo Việt xanh phát thải thấp” đầu tiên sang Nhật Bản, đánh dấu sự chuyển dịch dần sang dòng sản phẩm chất lượng cao và phát thải thấp, phù hợp với những tiêu chuẩn mới nhất của các nước phát triển.
- Sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nghị định nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu
- Sự tham gia của Việt Nam vào nhiều FTA với các nước, mang lại lợi ích thuế quan và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng lúa gạo toàn cầu, từ sản xuất đến phân phối.
Nâng tầm xuất khẩu gạo Việt Nam với TradeInt
Thương mại gạo thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những biến động đáng kể trong nửa còn lại của năm 2025. Vì vậy, để trụ vững và duy trì vị thế hàng đầu của gạo xuất khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp cần hướng tới đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đồng thời tiến hành thâm nhập và khai thác hiệu quả các thị trường.
Với TradeInt, doanh nghiệp có thể:
- Dễ dàng theo dõi hoạt động thương mại gạo trên quy mô toàn cầu
- Đánh giá và so sánh các thị trường mục tiêu
- Phân tích các đối thủ cạnh tranh để điều chỉnh hoạt động
TradeInt chính là công cụ đắc lực để doanh nghiệp luôn ở vị thế chủ động không chỉ trong hoạch định chiến lược mà còn trong việc điều phối, tối ưu hóa chuỗi cung ứng gạo từ Việt Nam đi ra thế giới.